Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

100 công ty công nghệ đồng loạt sa thải nhân viên đầu năm 2024

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, gần 100 công ty công nghệ, bao gồm Meta, Amazon, Microsoft, Google hay TikTok, đã sa thải tổng cộng khoảng 25.000 nhân viên.



Biểu tượng Android trước trụ sở Google tại CES 2024, triển lãm thương mại điện tử tiêu dùng thường niên, ở Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 10-1 - Ảnh: REUTERS

Số liệu sa thải do trang tin layoffs.fyi chuyên theo dõi lĩnh vực công nghệ công bố. Làn sóng sa thải trong giới công nghệ lên tới đỉnh điểm vào năm ngoái, với hơn 260.000 người mất việc.

2023 được xem là năm tồi tệ nhất đối với Thung lũng Silicon kể từ vụ sụp đổ dot-com vào đầu những năm 2000.

Các công ty công nghệ biện minh cho việc sa thải hàng loạt bằng cách viện dẫn tình trạng tuyển dụng ồ ạt trong giai đoạn đại dịch, lạm phát tăng cao và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Bây giờ là năm 2024, lực lượng lao động của các công ty công nghệ phần lớn đã quay về mức trước đại dịch, lạm phát chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và niềm tin của người tiêu dùng đang phục hồi.

Tuy nhiên tất cả công ty công nghệ lớn tiếp tục tham gia vào làn sóng sa thải ngay từ đầu năm, dù đang có hàng núi tiền mặt và kiếm được lợi nhuận khổng lồ.

Theo Đài NPR, một số công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ đang cạn kiệt quỹ tiền mặt và đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn. Điều này khiến họ cắt giảm nhân sự.

Đối với các công ty lớn đang niêm yết trên thị trường, xu hướng sa thải đầu năm 2024 nhằm mục đích làm hài lòng nhà đầu tư.

Ông Jeff Shulman, giáo sư tại Trường Kinh doanh Foster của Đại học Washington, lý giải: "Việc sa thải giúp giá cổ phiếu tăng cao, vì vậy các công ty này không thấy có lý do để dừng lại".

"Chuyện này đã trở thành bình thường mới. Người lao động đã quen, các nhà đầu tư chứng khoán đánh giá cao, vì vậy tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy chuyện này diễn ra trong một thời gian nữa", ông Shulman nói thêm.

Bên cạnh các thách thức chung của nền kinh tế, việc trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển cũng đặt ra nhu cầu cải tổ đội ngũ nhân sự các công ty, nhằm dành nguồn lực đầu tư vào AI.

Giáo sư kinh doanh của Đại học Stanford, ông Jeffrey Pfeffer, đã gọi hiện tượng các công ty trong một ngành đồng loạt sa thải nhân viên là "sự sa thải bắt chước". Ông giải thích: "Việc sa thải nhân viên trong ngành công nghệ về cơ bản là một ví dụ về sự lây lan xã hội, trong đó các công ty bắt chước những gì người khác đang làm".

Nói cách khác, việc sa thải có tính lây lan. Giáo sư Pfeffer nói rằng khi một công ty công nghệ lớn cắt giảm nhân sự, hội đồng quản trị của một công ty cạnh tranh có thể bắt đầu đặt câu hỏi tại sao các giám đốc điều hành của họ không làm như vậy.