Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Phát hiện mới cho thấy nước từng tồn tại trên sao Hỏa cách đây gần 4 tỷ năm

Một nghiên cứu được các nhà khoa học NASA vừa công bố cho thấy nước đã từng tồn tại trên sao Hỏa trong thời gian dài hơn so với những hiểu biết trước đây.

Hình ảnh mô phỏng nước từng tồn tại trên sao Hỏa (Ảnh: NASA)

Những bức ảnh về bề mặt đá trên sao Hỏa do tàu thám hiểm Curiosity chụp được và gửi về vào tháng 4/2022 cho thấy nước đã tồn tại trên hành tinh này từ khoảng 3,7 tỷ năm trước. Hành tinh đỏ đã cạn kiệt nước vào khoảng 3 tỷ năm trước. Như vậy, thời gian sao Hỏa có nước lâu hơn so với những phát hiện trước đây.

Mặc dù các nhà khoa học tìm được bằng chứng cho thấy sự hiện diện của nước trên sao Hỏa nhưng họ không chắc về việc liệu nó tồn tại dưới dạng chất lỏng, băng hay nước muối có áp suất.


Tàu Curiosity (Ảnh: NASA)

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Steven Banham (Khoa Khoa học và Kỹ thuật Trái đất thuộc Đại học Hoàng gia London) cho rằng: "Đá sa thạch tiết lộ rằng nước có lẽ từng tồn tại rất dồi dào tại đây và thậm chí lâu hơn so với suy nghĩ trước đây của chúng ta. Vấn đề là nước đã để lại những manh mối nào về quá trình tồn tại trên sao Hỏa? Đó có thể là chất lỏng bị nén, bị ép vào và làm biến dạng trầm tích, hoặc đông lạnh, với quá trình đóng băng và tan băng lặp đi lặp lại gây ra biến dạng; cũng có thể là nước mặn và chịu sự dao động nhiệt độ lớn".


Hình ảnh vệ tinh về bề mặt sao Hỏa (Ảnh: SWNS)

Theo các nhà nghiên cứu, sự sống có thể đã phát triển trên sao Hỏa cùng thời điểm với trên Trái đất nhưng trong khi điều kiện môi trường tiếp tục thuận lợi cho sự sống trên Trái đất thì điều kiện trên sao Hỏa lại xấu đi.

Tàu Curiosity dự kiến sẽ có thể tiếp tục hoạt động thêm vài năm nữa và tiết lộ thêm nhiều bí mật của sao Hỏa.

(Nguồn VTV)