Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Hàn Quốc sẽ tước giấy phép của 7.000 bác sĩ đình công

Hàn Quốc thông báo kiểm tra các bệnh viện để truy cứu những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc và tước giấy phép hành nghề của 7.000 người.

"Kể từ hôm nay, chúng tôi lên kế hoạch kiểm tra các bệnh viện để xác định những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc. Chúng tôi sẽ hành động theo quy định, pháp luật mà không có trường hợp ngoại lệ", Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong phát biểu trên truyền hình ngày 4/3. "Những bác sĩ chưa quay lại làm việc có thể gặp rắc rối nghiêm trọng trên con đường sự nghiệp của họ".

Theo ông Cho, với những bác sĩ đã trở lại làm việc, chính phủ sẽ xem xét tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp truy cứu trách nhiệm đối với họ.

Thứ trưởng Y tế Park Min-soo tuyên bố trong cuộc họp báo sau đó rằng chính phủ sẽ bắt đầu quy trình tước giấy phép hành nghề của khoảng 7.000 bác sĩ nội trú đã tham gia đình công. Đây được coi là phản ứng cứng rắn nhất của chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với phong trào đình công tập thể của các bác sĩ nội trú.

"Chúng tôi sẽ có phản ứng nghiêm khắc và nhanh chóng với những người gây ra hành động tập thể dẫn đến hỗn loạn trong ngành y", ông Park nói.

Khoảng 9.000 bác sĩ nội trú Hàn Quốc, tương đương 70% bác sĩ nội trú cả nước, đã nghỉ việc kể từ ngày 20/2, dẫn đến nhiều ca phẫu thuật bị hủy và gây đình trệ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước này.

Chính phủ cảnh báo bác sĩ đình công sẽ phải đối mặt biện pháp xử lý về hành chính và hình sự, trong đó có treo bằng một năm, ngồi tù ba năm hoặc phạt tiền 30 triệu won (22.455 USD) nếu không trở lại làm việc vào 29/2. Hiện chỉ có hơn 560 bác sĩ quay lại làm việc theo lệnh, số khác vẫn tiếp tục đình công.

Bác sĩ Hàn Quốc biểu tình tại Seoul ngày 3/3 để phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Ảnh: AFP

Bác sĩ nội trú Hàn Quốc nghỉ việc tập thể để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng tuyển sinh 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025. Bác sĩ nội trú vốn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phẫu thuật và dịch vụ cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa lớn.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), đại diện cho bác sĩ tư nhân, hôm 3/3 tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Seoul với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ để phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Hiệp hội Y khoa Thế giới, đại diện cho các bác sĩ, "lên án mạnh mẽ hành động của chính phủ Hàn Quốc nhằm trấn áp tiếng nói của những người đứng đầu KMA", đồng thời khẳng định quyền của các bác sĩ được hành động tập thể, trong đó có đình công.

Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.

Tỷ lệ bác sĩ tại Hàn Quốc là trung bình 2,6 người trên 1.000 dân, thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ trung bình của OECD là 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân.

Nhưng trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc thay đổi chính sách sẽ làm giảm chất lượng y tế quốc gia, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế. Mức độ điều trị ngoại trú trung bình trên mỗi người dân nước này là 14,7 lần một năm, cao hơn mức trung bình của OECD.

Các bác sĩ thực tập chỉ ra một vấn đề của ngành y Hàn Quốc hiện nay là tình trạng thiếu nhân sự và chênh lệch thu nhập ở các khoa thiết yếu nhưng "kém hấp dẫn" như nhi khoa, sản khoa và phụ khoa.

Họ cho rằng các bác sĩ không mặn mà với những khoa này do dịch vụ mà họ cung cấp thường có chi phí thấp hơn các khoa "hấp dẫn" như phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu, nơi viện phí do các bác sĩ tự đưa ra, thay vì được bảo hiểm y tế quy định. Họ viện dẫn chi phí sinh con thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra cho một thủ thuật điều trị da bằng laser đơn giản, khiến nhiều sinh viên đổ xô đăng ký ngành phẫu thuật thẫm mỹ thay vì sản khoa.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng các khoa thiết yếu có chi phí thấp sẽ được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế mới mà họ vừa công bố đầu tháng này. Theo chính sách mới, bảo hiểm sẽ hỗ trợ tài chính cho khoa nhi, khoa chăm sóc tích cực, tâm thần, truyền nhiễm tùy theo mức độ khẩn cấp, khó khăn và rủi ro trong quá trình điều trị ca bệnh.

Nhưng các bác sĩ nội trú lại nhấn mạnh tăng tuyển sinh ngành y sẽ không giúp lấp đầy khoảng trống nhân sự trong các khoa thiết yếu, mà chỉ tăng cạnh tranh trong các khoa "hấp dẫn", đặc biệt ở các bệnh viện Seoul.

Các bác sĩ cũng cho rằng chính phủ cần giải quyết điều kiện làm việc cho họ trước khi tính tới tăng số lượng nhân viên y tế. Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường phải làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, tương đương 20 tiếng mỗi ngày, khiến nhiều người cảm thấy quá tải.

Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường. Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), đại diện đa số bác sĩ ở nước này, còn cáo buộc kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là một biện pháp dân túy nhằm củng cố vị thế của chính phủ trước thềm bầu cử.

Công chúng Hàn Quốc và nhiều tổ chức y tế khác lại ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Khảo sát từ Công đoàn Y tế Hàn Quốc (KMHU) cuối 2023 cho thấy gần 90% công chúng ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, tăng gần 20% so với năm 2022.

Nhưng các bên ủng hộ cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng bác sĩ sẽ chỉ có hiệu quả khi đi kèm với các biện pháp nâng cao vị thế của hệ thống y tế công, thừa nhận thị trường hóa y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chuyên khoa kém thu hút hơn.

"Ngay cả khi tăng đào tạo hàng nghìn bác sĩ, không có gì đảm bảo họ sẽ vào các khoa thiết yếu hay bệnh viên công", Liên đoàn Các nhóm hoạt động vì quyền y tế Hàn Quốc (KMFA) cho biết.