Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Ác mộng tại các bệnh viện Hàn Quốc

Bệnh nhân không thể điều trị hoặc phải chờ đợi rất lâu khi cuộc khủng hoảng y tế đang lan rộng ở Hàn Quốc, nhiều bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện tê liệt.

"Tôi nghe trên bản tin rằng các bác sĩ đang đình công, nhưng vì đây là bệnh viện công, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, phải không?", ông Lim Chun-geun, 75 tuổi, đứng trước Trung tâm Y tế Denver ở Seoul hỏi với giọng lo lắng.

Ông Lim đánh giá cao quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học y của chính phủ, tỏ ra "bực mình" khi nghe tin các bác sĩ đình công để ngăn chặn điều đó.

"Sự tôn trọng mà tôi dành cho các bác sĩ không còn nữa", ông bày tỏ.

Ông Lim không phải người duy nhất chịu ảnh hưởng từ làn sóng đình công của các bác sĩ. Nhiều bệnh nhân bị hoãn điều trị vì bệnh viện không có đủ nhân lực đáp ứng.

"Con trai chúng tôi bị khuyết tật nặng do chấn thương sọ não, phải điều trị nội trú. Nhưng tất cả bệnh viện lớn đều thông báo không thể tiếp nhận, các bác sĩ thực tập đã rời đi. Chúng tôi phải đợi ở nhà, thật căng thẳng", Koo Jin-hee, 51 tuổi, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Severance, chia sẻ.

Hôm 26/2, không khí lo lắng bủa vây phòng chờ Bệnh viện Severance. Nhiều người e ngại về lỗ hổng y tế tại 5 bệnh viện lớn của Hàn Quốc, gồm Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Trung tâm Y tế Asan, Bệnh viện St. Mary, Bệnh viện Severance và Trung tâm Y tế Samsung.

Các cơ sở này đồng loạt thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc ngoại trú thông thường vì các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú từ chức. Loại hình chăm sóc này sẽ được triển khai trở lại vào tháng 5.

Cho Hyeon-woo, 35 tuổi, có con mắc bệnh nan y, trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, anh không thể đăng ký điều trị cho cậu bé ở bất cứ bệnh viện nào. Ông bố không có sự lựa chọn nào khác ngoài chuyển con đến viện tuyến dưới.

"Tôi hiểu quan điểm của bác sĩ, nhưng chúng tôi không biết khi nào con mình cần phẫu thuật khẩn cấp tiếp. Chúng tôi vô cùng lo lắng", anh chia sẻ.

Những ngày gần đây, tất cả nhân viên làm việc tại khoa nhi của Bệnh viện Severance đã nộp đơn xin từ chức, ngoại trừ các bác sĩ nội trú năm thứ 4. Cánh cửa văn phòng nội trú khoa cấp cứu đóng chặt, không tiếp truyền thông cũng như người bệnh.

4 trong số 8 bác sĩ nội trú tại Trung tâm Y tế Kyunggi cũng đã từ chức. 4 người còn lại dự định nộp đơn xin nghỉ vào cuối tháng này. Tại Trung tâm Y tế Seongnam, cơ sở y tế công cộng lớn nhất ở phía đông tỉnh Kyunggi, ba bác sĩ nội trú không đi làm kể từ ngày 19/2.


Bác sĩ Ryu O. Hada, 25 tuổi, một trong những người đình công, cởi bỏ tấm áo blouse tại một bệnh viện ở Seoul, ngày 25/2. Ảnh: Reuters

Gánh nặng lớn cho những người ở lại

Khi tình trạng đình công tiếp diễn, nhiều bác sĩ nghỉ việc, gánh nặng đè trên vai đội ngũ y tế còn trụ lại. Tại các bệnh viện lớn, một số giáo sư và nghiên cứu sinh phải làm việc 90 giờ một tuần. Theo các chuyên gia, tình trạng này kéo dài thêm hai tuần hoặc lâu hơn, các bác sĩ còn lại sẽ "sụp đổ". Đối với chuyên gia y tế đang nỗ lực để "lấp đầy chỗ trống", khối lượng công việc chỉ ngày một tăng lên.

Khoa cấp cứu Bệnh viện Sacred Heart thuộc Đại học Hallym, nơi tất cả 6 thực tập sinh và bác sĩ nội trú nộp đơn xin nghỉ việc, đã bị tê liệt hoàn toàn. 11 chuyên gia y tế phân chia nhiệm vụ của các nhân sự còn lại. Họ phải vật lộn khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Nhiều người trước đây đến bệnh viện tuyến hai đã bắt đầu đổ xô đến tuyến ba.

"Tôi từng phải làm việc 88 giờ một tuần khi còn là thực tập sinh và bác sĩ nội trú. Giờ đây, tôi đang trở lại tháng ngày đó. Khối lượng công việc đã tăng gấp đôi", Lee Hyung-min, giáo sư cấp cứu tại Bệnh viện Sacred Heart, cho biết.

Theo Lee, các giáo sư như ông vẫn kiên trì dù khó khăn đến đâu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều đó không có nghĩa họ đồng ý với các chính sách mới.

"Chính phủ nên biết rằng chúng tôi kiên trì vì hệ thống sẽ sụp đổ nếu không có chúng tôi", ông nói.

Khối lượng công việc thậm chí nghiêm trọng hơn ở các bệnh viện tuyến ba bên ngoài Seoul, nơi hạ tầng sức khỏe yếu kém. Vùng đô thị có bệnh viện tuyến hai để thuyên chuyển bệnh nhân nếu cần. Tình hình tại các tỉnh không khả quan như vậy. Các nhân viên y tế đôi khi phải làm việc liên tục ba ngày không nghỉ.

"Chúng tôi mất cả ba thực tập sinh nội trú tại khoa cấp cứu. Hai bác sĩ chuyên khoa còn lại phải bù đắp chỗ trống này, nên rõ ràng khối lượng làm việc đã tăng", chuyên gia gia tại một bệnh viện đa khoa trong khu vực, cho biết.

Không có bác sĩ nội trú, các giảng viên cũng phải đảm đương công việc tồn đọng, đến nỗi không thể tham gia bất kỳ hoạt động nào bên ngoài. Nhiều người hủy bỏ hội thảo, họp báo, cống hiến hết mình cho các nhiệm vụ tại bệnh viện.

Đội ngũ khác cũng vật lộn với khối lượng công việc căng thẳng là y tá - những người đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà những người đình công để lại.

"Thông thường, y tá chỉ làm việc ban ngày. Giờ đây, họ phải trực theo ca của thực tập sinh, tức là làm liên tục 30 giờ cho đến sáng hôm sau", một y tá tại bệnh viện tuyến ba trong khu vực chia sẻ.

Các nhà quan sát tỏ ra lo ngại hệ thống y tế Hàn Quốc có thể sắp sụp đổ bởi ngày càng nhiều nhân viên y tế kiệt quệ. Tình trạng quá tải nghiêm trọng đến mức đã có trường hợp kê đơn thuốc điều trị ung thư nhầm ngày, bởi các bác sĩ không còn phân biệt được thời gian trong tuần, theo chia sẻ của một giáo sư 50 tuổi.

"Nếu tình trạng này tiếp diễn, tôi không biết chúng tôi sẽ đi về đâu. Công việc khiến các giảng viên trong lĩnh vực nội khoa và phẫu thuật ngày càng mệt mỏi", giám đốc một bệnh viện tuyến ba tại Seoul cho biết.

Kể từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ y khoa, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Điều này khiến Hàn Quốc lâm vào cuộc khủng hoảng y tế lớn.

Những bác sĩ đình công phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025. Họ cho rằng kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.