Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Lời cảnh báo đáng sợ: 'Thế giới sẽ đối mặt thập kỷ nợ nần'

Nhà kinh tế học Arthur Laffer đã cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ sẽ kéo dài 10 năm tới và sẽ không có kết thúc tốt đẹp, với khoản vay toàn cầu đạt kỷ lục 307.400 tỷ USD tính tới tháng 9 năm ngoái.


Thế giới đang tiến vào "thập kỷ nợ nần".

“Tôi dự đoán 10 năm tới sẽ là 'Thập kỷ nợ nần'. Nợ toàn cầu đang đến đỉnh điểm. Nó sẽ không có kết thúc tốt đẹp”, ông Aurthur Laffer, Chủ tịch bộ phận tư vấn đầu tư và tài sản Laffer Tengler Investments, nói với CNBC.

Theo đó, nợ công toàn cầu đã tăng lên mức 336% so với tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP), so với con số 334% theo báo cáo giám sát nợ toàn cầu gần đây nhất của Viện Tài chính Quốc tế vào quý IV/2022.

Cả các quốc gia có thu nhập cao cũng như các thị trường mới nổi đều chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể các khoản nợ của mình, tăng thêm khoảng 100.000 tỷ USD so với một thập kỷ trước, một phần do môi trường lãi suất cao.

Các thị trường trưởng thành như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Pháp chịu trách nhiệm cho hơn 80% số nợ tích tụ trong nửa đầu năm ngoái. Trong khi ở các thị trường mới nổi, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil chứng kiến ​​mức tăng rõ rệt nhất.

Quay lại thời điểm 2012, tỷ lệ nợ trên GDP là là 110% đối với các nền kinh tế phát triển và 35% đối với các nền kinh tế mới nổi.

Để đáp ứng các khoản thanh toán nợ, ước tính khoảng 100 quốc gia sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng bao gồm y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

Ông Laffer cho biết những quốc gia cố gắng cải thiện tình hình tài chính của mình có thể được hưởng lợi bằng cách thu hút lao động, vốn và đầu tư từ nước ngoài, trong khi những quốc gia không làm được điều đó có thể mất đi nhân tài, doanh thu – và hơn thế nữa.

“Tôi dự đoán rằng một số quốc gia lớn nhưng không giải quyết vấn đề nợ của họ sẽ "chết dần chết mòn" về tài chính", ông Laffer nói và cho biết thêm rằng một số nền kinh tế mới nổi “có thể hình dung được là sẽ phá sản”.

Nhà kinh tế này cảnh báo rằng việc trả nợ sẽ trở thành một vấn đề khó khăn hơn khi dân số ở các nước phát triển tiếp tục già đi và lực lượng lao động ngày càng khan hiếm.

Ông nói: “Có hai cách chính để giải quyết vấn đề này: tăng thuế hoặc tăng trưởng nền kinh tế nhanh hơn tốc độ nợ”.

Bình luận của ông Arthur Laffer được đưa ra ngay sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc giữ nguyên lãi suất vào tháng 1/2024 và dập tắt hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3.

(VNF)