Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Trung Quốc vận hành nhà máy quang - thủy điện lớn nhất thế giới

Cụm nhà máy quang - thủy điện lớn nhất thế giới nằm ở độ cao cao nhất thế giới tại Trung Quốc bắt đầu kết hợp sản xuất điện vào ngày 25.6.
Nhà máy quang điện Kela ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, bắt đầu sản xuất điện ngày 25.6.2023. Ảnh: PowerChina Thành Đô

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, nhà máy quang điện Kela bắt đầu sản xuất điện vào ngày 25.6.

Nhà máy quang điện Kela và nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu nằm ở lưu vực sông Nhã Lung, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, lần đầu tiên hoạt động kết hợp để nâng công suất lên hơn 1 triệu kilowatt, khi Trung Quốc nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được các mục tiêu carbon kép.

Nhà máy quang điện Kela có công suất lắp đặt 1 triệu kW, trong khi nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu có công suất lắp đặt 3 triệu kW. Kết hợp với nhau, đây là cụm nhà máy hỗn hợp điện mặt trời và thủy điện lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt.

Nhà máy Kela có diện tích khoảng 16 triệu m2, tương đương 2.000 sân bóng đá tiêu chuẩn. Công trình được xây ở độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển, trở thành một trong những nhà máy điện cao nhất thuộc loại này trên thế giới.

Công ty Cơ điện Thành Đô Trung Quốc (PowerChina Chengdu Engineering) chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, mua sắm, xây dựng, chạy thử, kết nối lưới điện và phát điện cho một phần ba dự án.

Dự án ra đời trong bối cảnh quá trình phát điện của nhà máy quang điện không ổn định, dao động, gián đoạn, ảnh hưởng nhất định đến an toàn lưới điện. Kết hợp điện mặt trời và thủy điện được coi là một cách hiệu quả để quang điện ổn định hơn - Wu Di, kĩ sư thiết kế chính của dự án, nói.Nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu. Ảnh: Xinhua

Điện do các tấm pin mặt trời tạo ra sẽ được kết nối với nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu, sau đó được tích hợp vào lưới điện, cung cấp thêm 1 triệu kW nữa cho tổ hợp.

Ước tính, dự án sẽ tạo ra 2 tỉ kWh điện sạch mỗi năm, tương đương hơn 600.000 tấn than tiêu chuẩn, giúp giảm hơn 1,6 triệu tấn khí thải CO2, đóng góp đáng kể cho sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng mới trong khu vực.

Ngoài việc có vai trò đạt được các mục tiêu trung hòa carbon và tối ưu hóa cơ cấu năng lượng quốc gia, dự án còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành như nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch và giao thông vận tải ở các khu vực dân tộc thiểu số lân cận.

Trong quá trình xây dựng Kela, công ty PowerChina Thành Đô đã cố gắng sử dụng nhiều công nhân địa phương nhất có thể.

Penpa Tsering, một cư dân địa phương tham gia vào dự án, cho biết, trước đây, cư dân địa phương thường kiếm sống chủ yếu bằng nghề chăn gia súc và đi nơi khác làm việc. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, bây giờ họ có thể làm việc ngay trong khu phố của mình, vừa có thu nhập vừa có thể học các kĩ năng mới.

Công ty PowerChina Thành Đô đảm nhận trách nhiệm lập kế hoạch cho dự án Kela vào năm 2016 và chính thức bắt đầu xây dựng vào tháng 7.2022.

Tuy nhiên, để hoàn thành một công trình đồ sộ như vậy, chủ đầu tư dự án đã phải vượt qua những thử thách vô cùng lớn.

Kela nằm ở huyện Nhã Giang, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, ở độ cao từ 4.000 đến 4.600 mét. Điểm cao nhất của dự án cao hơn gần 1.000 mét so với Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng ở tây nam Trung Quốc.

Phân khúc do PowerChina Thành Đô đảm nhận là phân khúc có độ cao cao nhất, quy mô lớn nhất, diện tích lớn nhất và địa hình phức tạp nhất, theo giám đốc dự án Li Tao.

Trong suốt quá trình xây dựng, dự án đã gặp phải nhiều thách thức, một trong số đó là mức ôxy thấp do ở độ cao lớn - mức ôxy tại khu vực dự án thấp hơn tới 50% so với mức ở vùng đồng bằng.

Những thách thức khác, bao gồm các điều kiện thời tiết khắc nghiệt thường xuyên như gió mạnh, tuyết rơi dày, nhiệt độ đóng băng, cũng như thời hạn gấp rút, tất cả đều đặt ra một thử thách khắc nghiệt đối với việc xây dựng.

Nhóm đã vận dụng kinh nghiệm có được từ việc xây dựng nhiều dự án ở độ cao lớn, bao gồm trang trại gió ở độ cao cao nhất thế giới, để vượt qua các thử thách.

Theo NLĐ