Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Nhật Bản lần đầu phê duyệt thuốc phá thai

Sau khi Bộ Y tế Nhật Bản phê duyệt loại thuốc dùng để chấm dứt thai kỳ giai đoạn đầu, thuốc phá thai sẽ lần đầu xuất hiện tại nước này.

Tại Nhật Bản, luật pháp cho phép một người dừng mang thai đối với thai tối đa 22 tuần tuổi, tuy nhiên cần sự đồng ý của vợ, chồng hoặc người yêu. Cho đến nay, mọi người chỉ có lựa chọn duy nhất là thủ thuật.

Ảnh minh họa: AFP

Trong thông báo gửi nhân viên y tế hôm 28/4, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phê duyệt loại thuốc phá thai Mefeego của công ty dược phẩm Anh quốc Linepharma. Hãng xin cấp phép sản phẩm từ tháng 2/2021. Mefeego kết hợp mifepristone, ngăn chặn hormone thai kỳ và misoprostol, kích thích cơn co thắt tử cung. Các loại thuốc tương tự có mặt tại nhiều quốc gia như Pháp, nơi chấp thuận thuốc phá thai từ năm 1988, và Mỹ, nơi phê duyệt từ năm 2000.

Thuốc được dùng để chấm dứt thai kỳ trong 9 tuần đầu. Theo đài truyền hình NHK, tổng chi phí mua thuốc phá thai và tư vấn y tế là khoảng 100.000 yen (hơn 17 triệu đồng). Chi phí này không được bảo hiểm y tế chi trả. Do tác dụng phụ bao gồm đau bụng và chảy máu, phụ nữ uống thuốc phải ở lại bệnh viện cho đến khi bác sĩ xác nhận phá thai thành công. Trong khi đó, chi phí phẫu thuật phá thai rơi vào khoảng 100.000 đến 200.000 yen (gần 35 triệu đồng).

Các nhà hoạt động tại Nhật Bản cũng đang kêu gọi nới lỏng chính sách liên quan đến mua bán thuốc tránh thai khẩn cấp. Hiện tại, người dân chỉ có thể mua thuốc tránh thai khẩn cấp nếu có chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là loại thuốc duy nhất mà người mua phải uống ngay trước mặt dược sĩ để ngăn bị bán trên thị trường chợ đen.

Thuốc tránh thai khẩn cấp là vấn đề gây tranh cãi ở xứ sở mặt trời mọc. Chia sẻ với hãng tin AFP, Megumi Ota cho biết cô không thể mua được thuốc tránh thai khẩn cấp trong cuối tuần vì hầu hết các phòng khám đều đã đóng cửa. Do không thể uống thuốc trong 72 giờ sau khi quan hệ tình dục, cô đành phó mặc cho số phận và cuối cùng đã mang thai.

Tháng 10/2022, một hội đồng chính phủ đã được thành lập để nghiên cứu khả năng bán thuốc tránh thai khẩn cấp tại quầy giống như các nước Bắc Mỹ, châu Âu và một vài nước châu Á. Tuy nhiên, các bác sĩ phụ khoa lại nêu ra những lo ngại như nguy cơ lây lan bệnh tật khi quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ.

Ota quyết định phá thai sau khi bạn trai, người từ chối dùng bao cao su, tỏ ra hờ hững sau khi cô thông báo có thai. "Tôi chỉ cảm thấy tuyệt vọng", Ota bày tỏ. Người phụ nữ 43 tuổi hiện điều hành một tổ chức hỗ trợ những người giống mình.

Dù sở hữu hệ thống y tế hàng đầu thế giới, Nhật Bản chỉ xếp hạng 120 trên 156 quốc gia trong chỉ số khoảng cách giới của Diễn đàn kinh tế thế giới. Theo khảo sát năm 2019 của hãng dược phẩm Bayer và Đại học Tokyo, ước tính 610.000 trường hợp mang thai ngoài ý muốn mỗi năm ở nước này. Còn theo Bộ Y tế Nhật Bản, năm 2021 có 126.000 vụ phá thai được ghi nhận. Phá thai là hành vi hợp pháp từ năm 1948.

Năm 2017, một hội đồng chính phủ đã bác bỏ đề xuất bán thuốc tránh thai khẩn cấp tại quầy. Nhiều bác sĩ phản đối thay đổi. 92% thành viên của Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản cho rằng cần cải thiện giáo dục giới tính trước khi cân nhắc có bán thuốc tránh thai khẩn cấp rộng rãi hay không. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại khẳng định phụ nữ nên có quyền tự quyết định.

(Theo AFP)