Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Doanh nghiệp ôtô Trung Quốc ồ ạt lên kế hoạch tiến vào châu Âu

Cùng với tham vọng thâm nhập sâu vào châu Âu, Trung Quốc có khả năng vượt Nhật Bản thành nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới ngay năm nay.

Tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2023 vừa diễn ra, các thương hiệu xe hơi mới nổi của Trung Quốc như ZEEKR, NETA và HiPhi lần lượt công bố kế hoạch đến châu Âu, nơi bị thống trị bởi các đại gia ôtô toàn cầu lâu đời.

Thương hiệu xe điện ZEEKR của gã khổng lồ ôtô Geely, tiết lộ những chiếc xe đầu tiên dành cho châu Âu sẽ ra mắt tại Thụy Điển và Hà Lan trong năm nay. Spiros Fotinos, Giám đốc điều hành ZEEKR châu Âu, cho biết công ty sẽ thâm nhập hầu hết Tây Âu vào năm 2026 và đặt mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường xe điện ở châu Âu vào năm 2030.

"Người tiêu dùng châu Âu ngày càng sẵn sàng chuyển sang xe điện và cởi mở hơn bao giờ hết với các thương hiệu công nghệ mới – đặc biệt là những thương hiệu hoàn toàn tập trung vào xe điện", Fotinos cho biết. Đến cuối tháng 3, doanh số của ZEEKR đạt hơn 93.000. Mới đây, công ty đã trình làng mẫu xe thứ ba ZEEKR X, được cho là phù hợp hơn với khách hàng châu Âu.

Hãng xe khác là NETA cũng đã thành lập công ty con ở châu Âu và đang chuẩn bị đưa hai mẫu NETA S và NETA GT thâm nhập thị trường này. Zhang Yong, Giám đốc điều hành NETA cho rằng việc tiếp cận thị trường nước ngoài đòi hỏi phải có sản phẩm trước rồi mới đến các khâu lập kế hoạch hay kênh bán. Họ sẽ bắt đầu bán hàng ở châu Âu vào quý I/2024. "Chúng tôi có cơ hội ở thị trường châu Âu với khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của mình", Zhang nói.

HiPhi, một thương hiệu xe điện cao cấp của Trung Quốc, cũng cho biết họ sẽ bắt đầu khởi sự kinh doanh ở châu Âu tại Munich (Đức) và Oslo (Na Uy), với hai mẫu xe dự kiến được bán vào quý III năm nay.

Một góc Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2023 vừa diễn ra. Ảnh: Reuters

Mark Zhou, Phó chủ tịch điều hành sản phẩm, nghiên cứu và phát triển của Nio, cho biết đang nỗ lực tăng cường nhân sự ở châu Âu để phục vụ khách hàng tốt hơn. "Thách thức của chúng tôi là làm thế nào để nhanh chóng nhân rộng khả năng phát triển phần mềm cho châu Âu và hiểu khách hàng tại đó", Zhou nói. Riêng tháng 12/2022, Nio đã bán được 420 xe ở châu Âu, tăng 530% so với một năm trước đó, theo nền tảng thu thập dữ liệu DataForce.

Trung Quốc chứng kiến bước ngoặt trong xuất khẩu ôtô vào năm 2021. Trước thời điểm đó, nước này bán ra nước ngoài khoảng một triệu xe mỗi năm, chủ yếu dựa vào xuất khẩu giá rẻ và tập trung vào thị trường Đông Nam Á. Sau 2021, với nhiều năm kinh nghiệm tích lũy được trong lĩnh vực xe điện, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu thâm nhập các nước phát triển.

Vào 2022, Trung Quốc xuất khẩu hơn 3,11 triệu xe, vượt Đức trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn thứ hai thế giới. Xu hướng này tiếp tục trong quý đầu tiên năm nay, với việc Trung Quốc xuất khẩu hơn 990.000 xe, tăng 70,6% so với cùng kỳ 2022.

Xuất khẩu ôtô của Trung Quốc đã tăng gần một triệu chiếc mỗi năm trong vòng 2 năm qua nhờ khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, chất lượng, công nghệ và thương hiệu của nước này được cải thiện, theo Xinhua.

Năm nay, Hiệp hội ôtô chở khách Trung Quốc (CPCA) dự báo lần đầu tiên xuất khẩu ôtô có thể đạt 4 triệu chiếc, tăng gần 30% so với 3,11 triệu chiếc của năm ngoái. "Mục tiêu có thể đạt được nếu nhu cầu chung về phương tiện ở nước ngoài vẫn ổn định", Tổng thư ký CPCA Cui Dongshu cho biết.

Nếu dự báo là chính xác, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Nhật Bản thành nhà xuất khẩu ôtô đứng đầu thế giới về sản lượng. Năm 2022, xuất khẩu của Nhật Bản giảm gần 8% so với cùng kỳ, xuống còn 3,5 triệu chiếc. Một số giám đốc điều hành ngành cho biết mục tiêu 4 triệu xe là thận trọng. Họ nói rằng các công ty Trung Quốc có thể xuất xưởng tới 4,5 triệu chiếc trong năm nay vì sản phẩm của họ phổ biến ở Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi.

Jack Chen, Giám đốc phát triển chiến lược của Jetour - công ty con về xe điện của Chery Automobile - cho biết triển vọng xuất khẩu là "rất sáng sủa" dựa trên các đơn đặt hàng mà họ nhận được. "Số liệu xuất khẩu thực tế sẽ đánh bại kỳ vọng của thị trường", ông tuyên bố. Nêu lý do, ông cho rằng xe Trung Quốc được coi là sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo ở một số thị trường, bao gồm cả Đông Nam Á.

Các nhà lắp ráp ôtô khác cũng đồng tình với quan điểm này, cho biết đã được đại lý nước ngoài tiếp cận trong những ngày diễn ra Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2023, những đơn vị rất quan tâm đến việc bán xe điện do Trung Quốc sản xuất tại thị trường của họ.

Ở thị trường nội địa, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đã bị lôi kéo vào cuộc chiến giá cả khốc liệt do Tesla dẫn đầu, gây ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận kể từ cuối năm ngoái. Các doanh nghiệp dự đoán đợt giảm giá mạnh sẽ kéo dài thêm hai tháng nữa trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng yếu.

Tổng doanh số xe chạy bằng xăng và chạy bằng điện ở Trung Quốc đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,59 triệu chiếc trong tháng 3, mức tăng nhỏ nhất trong tháng kể từ năm 2020, theo CPCA.

(theo Caixin, SCMP)