Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Hàn Quốc trong cuộc đua trở thành một trong các nước bán vũ khí lớn nhất thế giới

Chuyện Hàn Quốc năm ngoái tăng xuất khẩu vũ khí lên đến 140%, thu về 17,3 tỉ USD gây ngạc nhiên tột độ.

Pháo K9 của Hàn Quốc đang rất đắt hàng. Ảnh: Defense News

Trong số đó có đến 12,4 tỉ USD xuất khẩu sang một nước đang được xem là "hậu cứ công nghiệp của châu Âu" - Ba Lan.

"Danh hiệu" trên là do một tờ báo chuyên ngành công nghiệp của Pháp, L'Usine Nouvelle, phong cho Ba Lan mới cách đây ba năm, trong bài viết "Ba Lan: hậu cứ công nghiệp của châu Âu" đề ngày 22-5-2019.

Bài báo mở đầu bằng cách tán dương Ba Lan hết mực: "15 năm sau ngày gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU), Ba Lan giờ trở thành nhà vô địch công nghiệp". Ba Lan chói sáng là như vậy trong lĩnh vực công nghiệp của khối EU, vậy mà lại đi mua của Hàn Quốc tới 12,4 tỉ USD vũ khí, vì đâu?

Hàn Quốc "ăn may"?

Cách đây một tháng, báo Mỹ The New York Times 5-3 đã nêu hiện tượng lạ Hàn Quốc: "Năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng 140%, lên mức kỷ lục 17,3 tỉ USD, gồm các thỏa thuận trị giá 12,4 tỉ USD bán xe tăng, đại bác, máy bay chiến đấu và nhiều giàn phóng tên lửa cho Ba Lan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine".

Minh họa cho thương vụ vũ khí ngoạn mục này là tấm hình chụp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại buổi tiếp nhận loạt xe tăng K2 và đại bác K9 của Hàn Quốc hồi tháng 12-2022. Mở ngoặc đơn: dù cùng phe, buôn bán là không có nể tình.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là phải chăng Hàn Quốc "ăn may" nhờ có chiến tranh Ukraine? Quả thật là ngành công nghiệp vũ khí nước này đang gặp thời khi do cuộc chiến tranh Ukraine, các nhà cung cấp lớn như Mỹ và Nga rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng giàn phóng tên lửa và các loại vũ khí khác do sản xuất không kịp. Đức và nhiều nước châu Âu cũng phải vật lộn để đảm bảo có đủ xe tăng gửi tới Ukraine.

Vấn đề ở chỗ sau Chiến tranh lạnh, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã thu hẹp quy mô quân đội và năng lực sản xuất vũ khí. Ngược lại, Hàn Quốc vẫn phải tiếp tục tình trạng Chiến tranh lạnh và cả nóng, của riêng họ, khi phải hằng ngày sẵn sàng đối phó với nước láng giềng thù địch CHDCND Triều Tiên. Cả chính phủ và các tập đoàn tư nhân của nước này đều phải duy trì chuỗi cung ứng quốc phòng nội địa mạnh mẽ, trước hết là để đáp ứng nhu cầu của chính mình.

Trong khi đó, tại châu Âu nhu cầu về vũ khí lại đang tăng đột biến. Báo cáo 13-3-2023 của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu đã tăng 47% trong giai đoạn 2013-2017 tới 2018-2022, trong khi mua bán vũ khí quốc tế trên toàn cầu giảm 5,1%. Nhập khẩu vũ khí nói chung giảm ở châu Phi (-40%), châu Mỹ (-21%), châu Á và châu Đại Dương (-7,5%, không bao gồm Đông Á, do có Trung Quốc) và cả Trung Đông (-8,8%).

Cũng theo SIPRI, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, các nước châu Âu lại càng muốn nhập vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn. Trong khi đó, bảy nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu sau Mỹ, Nga và Pháp, thì tới năm đã suy giảm về kim ngạch: Trung Quốc (-23%), Đức (-35%), Anh (-35%), Tây Ban Nha (-4,4%) và Israel (-15%). Những tay chơi mới đang nổi lên là Ý (tăng 45%) và Hàn Quốc (74%).

Thế nhưng, thời cơ là một chuyện, nắm bắt thời cơ là chuyện khác. Tháng 9-2022, nhân Triển lãm quốc phòng DX Korea tại trường bắn gần Pocheon, cách biên giới Triều Tiên khoảng 30km, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra chỉ thị phải xuất khẩu nhiều hơn nữa và đặt mục tiêu lọt vào top 4 các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới: "Bằng cách lọt vào top 4 nhà xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp, quốc phòng Hàn Quốc sẽ trở thành một ngành công nghiệp chiến lược và Hàn Quốc sẽ trở thành một cường quốc quốc phòng". Hai mục tiêu ông đặt ra rất rõ ràng: công nghiệp hóa quốc phòng một cách chiến lược để thành cường quốc quốc phòng.

Cái đáng nể với người Hàn là họ nói được, làm được. Giai đoạn 2012 - 2016, vũ khí Hàn Quốc chỉ chiếm 1% thị trường thế giới; tới 2016 - 2021 là 2,8%, tương đương 7 tỉ USD (CNN 25-11-2022). Còn giờ là cuộc đại nhảy vọt.

Sở dĩ Tổng thống Yoon dám mạnh miệng là do trước đó Hàn Quốc đã đạt được các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD với châu Âu: Trong vòng ba tháng, họ ký liên tiếp các hợp đồng bán xe tăng, máy bay chiến đấu và giàn phóng tên lửa. Đó là thành quả của một quá trình lâu dài. Các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã hoạt động ở châu Âu từ rất lâu. Trong khoảng một thập niên qua, họ bán pháo di động và vũ khí nhỏ cho một số nước nhỏ. Còn giờ là bước đột phá, điển hình là hợp đồng bom tấn 5,8 tỉ đô la với Ba Lan vào tháng 7-2022, gồm 980 xe tăng K2 Black Panther, 672 pháo tự hành K9 và 48 máy bay chiến đấu FA-50, giao hàng từ cuối năm 2022. Tổng giá trị các thỏa thuận có thể lên tới 15 tỉ USD nếu Ba Lan quyết định mua những "đồ chơi" trên ở dạng "full option".

Politico 1-11-2022 kết luận hết sức "sự thật mích lòng": "Và điều này đang gây ra lo lắng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ".


Bộ trưởng phụ trách chương trình mua sắm vũ khí của Hàn Quốc, Eom Dong-hwan, và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kiểm tra một chiếc xe tăng Black Panther K2 do Hàn Quốc sản xuất vào đầu tháng 12-2022. Ảnh: Michal Dyjuk/AP

Thực lực công nghiệp vũ khí Hàn Quốc

Tại sao các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ lo lắng? Politico đưa ra thí dụ giải thích: "Tháng rồi (tức tháng 10-2022), Ba Lan đã ký hợp đồng với Công ty Hanwha Defense của Hàn Quốc để mua 288 bệ phóng đa tên lửa Chunmoo, lô đầu tiên sẽ được giao vào năm tới thay vì chờ đợi nhiều năm để bắt đầu nhận các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất".

Ban đầu, Warsaw tìm mua tới 500 hệ thống HIMARS từ Mỹ nhưng sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết "rất tiếc là... các thiết bị sẽ không thể giao được theo khung thời gian thỏa đáng. Do đó, chúng tôi đã bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc - đối tác đã được chứng minh của chúng tôi".

Rốp rẻng, hôm 19-10-2022, Ba Lan ký hợp đồng mua 300 giàn tên lửa MLRS Chunmoo của Hanwha Defense, mà lô đầu tiên giao ngay đầu năm 2023, chứ không phải đợi năm năm rồi vẫn không thấy tăm tích như HIMARS.

Trong chiến tranh Ukraine, phía Ukraine có lúc đã giành lại thế trận nhờ HIMARS. Hàn Quốc cũng có những giàn tên lửa tương tự thuộc hệ MLRS, cũng đa tên lửa có đầu đạn dẫn đường. Thành ra, Ba Lan, do sốt ruột không đợi nổi HIMARS xuất xưởng cho kịp, chuyển qua mua MLRS Chunmoo là dễ hiểu.

Theo người phát ngôn của Cơ quan Vũ khí Ba Lan Krzysztof Platek, Ba Lan sẽ nhận được các giàn tên lửa K239 Chunmoo đặt trên xe tải Jelcz 88 và xe chiến đấu Topaz SP, đều của Ba Lan. Seoul sẽ cung cấp tên lửa hành trình với tầm bắn 70-290km và chuyển giao công nghệ.

Ở đây cần nhấn mạnh ngoài ưu thế về thời gian giao hàng, Hàn Quốc còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ và đáp ứng yêu cầu cụ thể của khách hàng, sản xuất riêng hai loại tên lửa có tầm bắn 70 và 290km, phù hợp với đòi hỏi an ninh trực tiếp của Ba Lan.

Tất cả các vũ khí trên, về tính năng cũng như các điều kiện cung cấp, là từ một nền tảng phức hợp công nghiệp quốc phòng vững vàng với năng lực sản xuất hùng hậu dựa trên cả một mạng lưới các tập đoàn như Hyundai Heavy Industries (công nghiệp nặng), Hanwha Group (công nghệ thuốc nổ, nguyên vật liệu và không gian), Korea Aerospace Industries (không gian), Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (công nghiệp đóng tàu và kỹ thuật hàng hải), Lockheed Martin Korea (công ty con của tập đoàn máy bay lừng lẫy của Mỹ), Samsung Aerospace Industries (không gian)...

Nền tảng đó, kết hợp với nền sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới, làm thành giá trị thặng dư cho sản phẩm vũ khí xuất khẩu của Hàn Quốc. Có thể lấy ví dụ là xe tăng K2 Black Panther.

Ngoài giáp nhiều lớp phản ứng chống nổ hay pháo 120mm cũng có ở xe tăng các nước khác, K2 Black Panther còn được trang bị lớp bảo vệ điện tử cho phép theo dõi và phát hiện tên lửa đối phương đang bay đến. Lớp bảo vệ này gồm hệ thống radar dải milimet tên gọi Hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAWS); các cảm biến truyền dữ liệu thời gian thực đến máy tính để đạc tam giác tính toán đường đạn chính xác.

Chưa hết, xe tăng Hàn Quốc còn có hệ thống KAPS, gồm radar theo dõi có tính năng phát hiện ba chiều và thiết bị chụp ảnh nhiệt để phát hiện các mối đe dọa từ xa. Tất cả giúp tăng tầm bảo vệ xung quanh xe tăng lên tới 150 mét, trong khi tên lửa phòng thủ có thể tiêu diệt các mục tiêu đang lao tới ở khoảng cách 10-15 mét. Hệ thống KAPS này là cách tân của riêng Hàn Quốc nhằm đối phó tên lửa chống tăng có điều khiển hiện đại. Đơn giá của riêng hệ thống phòng thủ chủ động này là 670 triệu won (600.000 USD), thành ra xe tăng K2 giá tới 8,8 triệu USD, mắc hơn cả xe tăng Abrams của Mỹ (8,5 triệu USD), và mắc hơn gấp ba xe tăng ZTZ-99 của Trung Quốc (2,6 triệu USD) (Tanks Encyclopedia). Tính năng bảo vệ điện tử trên là đồ nội địa hoàn toàn, do liên doanh Hanhwa - Thales nghiên cứu và phát triển. 

(Nguồn: Tuổi trẻ)