Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Ý tưởng làm mưa sao băng nhân tạo

NHẬT BẢN - Công ty ALE dự định dùng vệ tinh thả hàng loạt khối cầu nhỏ xuống khí quyển Trái Đất, khiến chúng cháy rụi và phát sáng như sao băng.

Minh họa mưa sao băng trên bầu trời thành phố. Ảnh: ALE

ALE, startup vũ trụ của Nhật Bản, lên kế hoạch khiến mưa sao băng trở nên dễ quan sát hơn với dự án Sky Canvas, New Atlas hôm 11/4 đưa tin. Công ty này sẽ thả những khối cầu rộng 1 cm từ vệ tinh để chúng bốc cháy trong khí quyển và phát sáng.

ALE cho biết, với hệ thống mới, họ có thể làm mưa sao băng nhân tạo ở bất cứ đâu trên Trái Đất theo yêu cầu. Màn trình diễn này có thể được quan sát trong khu vực trải dài 100 km theo mỗi hướng. Sao băng giả di chuyển chậm hơn và phát sáng lâu hơn sao băng tự nhiên, giúp người xem dễ chiêm ngưỡng hơn.

ALE đã chia sẻ về kế hoạch này hơn một thập kỷ qua và mọi thứ gần đây đang được đẩy nhanh. Công ty được cấp giấy phép, hai vệ tinh chở đầy khối cầu quay quanh Trái Đất phóng lên vào năm 2019, một vệ tinh khác sẽ phóng vào năm sau. Buổi trình diễn thương mại đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2025.

Sao băng nhân tạo sẽ không gây hại cho con người vì chúng quá nhỏ để xuống tới mặt đất. Chúng cũng cấu tạo từ những vật liệu tương tự sao băng tự nhiên để đảm bảo cháy hoàn toàn trong khí quyển. Sao băng nhân tạo cũng sẽ không đâm vào máy bay vì được thả từ độ cao lớn hơn nhiều. Tác động của chúng đến môi trường và các quan sát thiên văn cũng chỉ ở mức tối thiểu, theo ALE.

ALE cho biết, các sao băng nhân tạo có thể giúp giới khoa học tìm hiểu về tầng trung lưu - tầng khí quyển nơi chúng sẽ bốc cháy. Tầng này quá cao với máy bay và khí cầu thời tiết, nhưng lại quá thấp với vệ tinh nên hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu sự tương tác của thiên thạch để hiểu rõ hơn về tầng trung lưu và cải tiến các mô hình khí hậu.

Tuy nhiên, dự án mưa sao băng nhân tạo vẫn còn những vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên, việc phóng vật thể vào quỹ đạo rất tốn kém và có thể để lại rác vũ trụ. Thứ hai, việc nạp lại khối cầu mới cho các vệ tinh không hề đơn giản. Bên cạnh đó, nếu sao băng nhân tạo không sáng hơn nhiều so với sao băng tự nhiên, những người ở thành phố nhiều ánh đèn sẽ rất khó quan sát.

Sao băng thực chất là những thiên thạch lao xuống Trái Đất và bốc cháy trong khí quyển. Sao băng có thể xuất hiện dưới dạng một vệt sáng duy nhất vào một đêm ngẫu nhiên, hoặc dưới dạng màn trình diễn ngoạn mục kéo dài hàng giờ trong thời gian cực đại của mưa sao băng - khi Trái Đất đi qua đuôi bụi của sao chổi. Dù rất đẹp mắt, mưa sao băng không dễ quan sát vì phụ thuộc nhiều vào môi trường, thời gian và thời tiết.

(Theo New Atlas)