Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Tình trạng người trẻ muốn tự tử ngày càng gia tăng, chúng ta cần làm gì?

Áp lực nào dẫn đến người trẻ muốn tự tử?

Vụ việc em học sinh một trường chuyên ở Nghệ An tự tử mới đây dấy lên hồi chuông báo động với gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Những năm gần đây số học sinh sinh viên tự tử ngày càng gia tăng, vì đâu nên nỗi?

Bạn trẻ nên mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng về những áp lực, khó khăn trong cuộc sống và không nên chịu đựng một mình

Cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tâm thần của bạn trẻ

Nhiều người nghĩ rằng những bạn trẻ ở tuổi ăn tuổi lớn thì chẳng có gì áp lực, thế nhưng thực tế họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Có những áp lực ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ như: áp lực học tập, thi cử, các mối quan hệ bạn bè, mâu thuẫn với gia đình, chuyện tình cảm…

Những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu cứ chất chứa, không có hướng giải tỏa, không ai để tâm sự, không trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện thì nó dần khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và tiến triển thành bệnh trầm cảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những cái kết đau thương cho một số bạn trẻ muốn giải thoát chính mình.

Xã hội hiện nay cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tâm thần của các bạn trẻ. Trong độ tuổi mới lớn, các bạn trẻ mang tâm thế bỡ ngỡ, khó đón nhận khó khăn, suy nghĩ nhạy cảm và dễ có những hành động tiêu cực. Nếu người lớn không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của bạn trẻ thì sẽ khó nắm bắt, can thiệp và ngăn chặn hành động sai lệch tiêu cực.

Các bạn trẻ nên trang bị các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề để có thể đối diện và xử lý cảm xúc tiêu cực.

Hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng, đừng chịu đựng một mình; đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín nếu cảm thấy tinh thần, cảm xúc khó kiểm soát và ngày càng bất ổn; tập cách suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày; rèn luyện tính kiên nhẫn qua các trò chơi, công việc mà bạn yêu thích; khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi, thư giãn; hãy học cách đối diện với khó khăn thay vì trốn chạy.

Về phía gia đình, cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con trẻ nhiều hơn; chú trọng đến những món ăn tinh thần như gặp nhau, trò chuyện thường xuyên, tạo cơ hội quan tâm các thành viên trong gia đình; hãy coi con như một người bạn; đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên các bạn trẻ, vô tình nó sẽ trở thành áp lực đè nén suy nghĩ, cảm xúc của các bạn. 

Cha mẹ nên trang bị kĩ năng sống cho con thật tốt, kĩ năng mềm này là điều rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại, phải trang bị từ sớm cho trẻ, bồi đắp dần dần theo thời gian. Cha mẹ có thể mua sách, tìm thông tin trên internet, tìm hiểu qua báo chí...

Khi con gặp vấn đề trong cuộc sống, bạn bè, học tập, dù nhỏ dù lớn thì cha mẹ hãy đồng hành cùng con, tìm ra cách giải quyết, tìm ra phương án hợp lý nhất, đừng để con trẻ cô đơn trong cuộc sống của mình. 

Còn phía nhà trường cũng cần chú trọng hơn trong công tác quản lý cảm xúc của học sinh, áp dụng những hình thức giáo dục tích cực nhiều hơn; xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường thân thiện và sẵn sàng trợ giúp tâm lý các bạn trẻ; lồng ghép các giờ học về giáo dục cảm xúc xã hội, giờ học kỹ năng, các hoạt động ngoài giờ để các bạn trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế hơn.

Giáo viên chủ nhiệm dành sự quan tâm đến các em nhiều hơn, đem tình cảm để giáo dục và kết nối các em lại với nhau, đôi khi sự quan tâm để ý của giáo viên và người lớn sẽ cứu vớt được cuộc đời của vô số người trẻ có ý định tự tử. Tình thương là sợi dây kết nối thần kì giữa người với người, xin đừng sống vô cảm dửng dưng.

Sinh mệnh là điều quý giá nhất, mong rằng tất cả chúng ta hãy trân trọng điều đó.