Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đoàn công tác đang có chuyến thăm Liên bang Nga từ ngày 23-28/9 nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngày 26/9 đoàn đã đến thăm và làm việc với Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (JINR). Đây là cái nôi nghiên cứu với những thành tựu đáng tự hào và nơi đào tạo chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam luôn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các ứng dụng của nó vì mục đích hòa bình, đồng thời coi JINR là đối tác quan trọng. Việt Nam đặt mục tiêu hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR trong đào tạo nguồn nhân lực và khai thác hiệu quả các thiết bị hiện có tại các phòng thí nghiệm.
Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ thăm các cơ sở phòng thí nghiệm nổi bật của JINR. Ảnh: HTQT
Hiện nay, với đội ngũ các cán bộ, nhà khoa học trẻ đang làm việc ngắn và dài hạn hàng năm tại JINR, Việt Nam đã phần nào phát triển và tập trung được một số nhóm nghiên cứu có chất lượng, đủ năng lực tham gia xây dựng các hướng nghiên cứu và đề xuất các bài toán xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu viên Việt Nam đã và đang được đào tạo trở thành tiến sĩ (tại JINR và Việt Nam) trong các lĩnh vực khoa học then chốt. Lực lượng này từng bước làm chủ các nghiên cứu, đóng góp vào các công bố khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế về vật lý hạt nhân.
Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn Viện JINR tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam sang làm việc và nghiên cứu tại Viện, trở thành những chuyên gia xuất sắc. Điều này bao gồm việc tham gia và các nhóm nghiên cứu hàng đầu tại Viện, tham dự các khóa đào tạo ngắn và dài hạn cũng như có cơ hội phát triển và làm chủ các hướng nghiên cứu riêng do Việt Nam chủ trì.
Nhắc tới Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ hạt nhân (CNST), Bộ trưởng Đạt cho biết đây là hoạt động hợp tác lớn nhất và quan trọng nhất cho đến nay giữa Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ Khoa học - Công nghệ.
Hiện Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và gửi cán bộ sang làm việc tại JINR để đào tạo đội ngũ chủ chốt cho Dự án CNST. Trong tương lai, JINR dự kiến sẽ đầu tư lắp đặt một số hệ thống thiết bị tại CNST, cho phép các nhà khoa học Việt Nam, Nga và quốc tế cùng tham gia khai thác, nghiên cứu, như một chi nhánh của JINR tại Việt Nam. "Đây là một sáng kiến ý nghĩa, mở ra cơ hội biến CNST thành trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng JINR sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Dự án CNST. Cụ thể JINR hỗ trợ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2025-2030 cho Việt Nam nhằm chuẩn bị cho lò phản ứng nghiên cứu mới, đồng thời khai thác các kênh nghiên cứu và ứng dụng của lò phản ứng; cùng Vinatom và các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam xây dựng lộ trình khai thác hiệu quả lò phản ứng sau khi đi vào hoạt động, với sự tham gia trực tiếp của JINR và các quốc gia trong khu vực.
Viện sĩ Grigory Trubnikov, Giám đốc JINR đánh giá cao sự quan tâm và đóng góp lớn của Việt Nam trong thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR thời gian qua. JINR đã đào tạo nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, điển hình như cố GS.TS Nguyễn Đình Tứ và cố GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Nhiều chuyên gia và nhà khoa học khác từ Việt Nam cũng đã tham gia nghiên cứu và làm việc tại Viện, góp phần quan trọng vào những thành công chung của JINR. Theo đó JINR cam kết tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó hôm 24/9 đoàn công tác có buổi làm việc với Rosatom. Tại đây Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev xem xét xây dựng Lộ trình hợp tác riêng giữa Bộ Khoa học - Công nghệ và Tập đoàn Rosatom giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó nội dung hợp tác xây dựng Trung tâm Truyền thông năng lượng nguyên tử tại Thành phố Long Khánh (Đồng Nai) được ông nhấn mạnh "đây là nhiệm vụ quan trọng, rất cần thiết để Dự án CNST thành công".
Ông cũng đề nghị hai bên hợp tác nghiên cứu về các công nghệ điện hạt nhân tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu, dự kiến bắt đầu từ năm 2025; Hai bên phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, seminars khoa học, các khóa phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho công chúng, cán bộ quản lý và các đối tượng liên quan; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam, đào tạo cán bộ nghiên cứu cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và ngành năng lượng nguyên tử phối hợp với việc cử cán bộ nghiên cứu sang làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) dự kiến bắt đầu từ 2025...
Nguồn: VNX