Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Đồng bằng Sông Cửu Long loay hoay tìm giải pháp ứng phó hạn mặn, sụt lún

 ĐBSCL đang trong giai đoạn hạn mặn gay gắt nhất của mùa khô 2023-2024. Cùng với đó, tình trạng sạt lở, sụt lún đang gây nhiều khó khăn, áp lực khá lớn để ổn định sinh kế và đời sống của người dân.

Tại ĐBSCL, Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng hiện đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm cấp nước với tổng công suất được cấp phép là 97.770 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trước diễn biến của hạn hán và mặn xâm nhập, Sóc Trăng hiện cũng gặp khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt.

Công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành khi hoàn thành, góp phần bảo vệ cho diện tích gần 100.000ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho trên 1 triệu người của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An

Đơn vị hiện quản lý trên 60 giếng, trong đó, 50 giếng tầng nông và trên 10 giếng tầng sâu cùng 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch. Trong đó, nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm. Tuy nhiên, tại Sóc Trăng, nếu khoan giếng ở độ sâu 500 m bị lấn dần mặn xâm nhập từ Bạc Liêu. Độ mặn trên 1 phần nghìn ở giếng dưới tầng sâu và các cái giếng tầng nông thì ô nhiễm các tập kết khác, kể cả các kim loại nặng khó xử lý.


Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cho biết, hiện địa phương tạm thời ổn định do có lượng nước ngầm tương đối tốt. Tuy nhiên về lâu dài cũng sẽ đối mặt với những khó khăn khó lường. Bởi chuyện mặn xâm nhập không chỉ ở trên bề mặt của các dòng sông mà mặn còn xâm nhập cả dưới lòng đất và ở các địa tầng càng lúc càng nghiêm trọng hơn.

Chính vì thế, hiện đơn vị đã đề xuất việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt với công suất 200.000 m3/ngày đêm tại khu đất rừng thuộc phân trường Phú Lợi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành với tổng diện tích 110 ha. Cùng với đó, tại Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ mới đây, ông Đặng Văn Ngọ đã phân tích từ hiệu quả mang lại của dự án Cái Lớn-Cái Bé trong việc điều tiết nước và ngăn mặn nên phát huy cho cả vùng.

"Theo thông tin tôi biết thì khoảng giữa năm nay sẽ có các cầu nối từ Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh để làm vành đai ven biển, tương lai sẽ đi đến Cà Mau qua Kiên Giang. Thì bây giờ thay vì làm cầu thì chúng ta làm cống kết hợp cầu. Nếu triển khai được, sẽ điều tiết nước, giữ nước trong mùa mưa, dùng trong mùa khô, đỡ lo việc nước từ thượng nguồn về. Nếu hôm nay mặn tấn công Sóc Trăng, Hậu Giang, tới nữa mà tới Cần Thơ, An Giang thì sẽ như thế nào", ông Ngọ cho hay.

Còn theo phân tích của PGS.TS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ gần như theo chu kỳ từ năm 2016, 2020 và nay là 2024, cứ 4 năm một lần sẽ có đợt hạn hán, mặn xâm nhập cao hơn trung bình nhiều năm.

Ông Tuấn phân tích, người dân ven biển ĐBSCL đã dần sống chung với hạn, mặn từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, tính chất và mức độ càng ngày phức tạp hơn, người dân hoàn toàn chủ động việc này, vì họ sẽ phải tìm giải pháp để giảm thiệt hại. Người dân trong vùng cũng biết trữ nước trong điều kiện của họ, một thời gian cấp nước tới người dân nên các thiết bị chứa nước giảm. Tuy nhiên, vài năm gần đây hạn, mặn ngày càng gay gắt, nên hình ảnh lu, vại chứa nước đã quay trở lại... Người dân đã chủ động hơn, nên giảm nhiều áp lực cho cấp nước sinh hoạt. Người dân cũng biết cách chuyển đổi sản xuất, như lúa - tôm, để thích nghi. Chính vì thế, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, giải pháp của người dân cũng là gợi ý cho nhà khoa học, chính quyền để có thể nhân rộng.
Nhiều diện tích lúa tại ĐBSCL bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước ngọt

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Tuấn lo lắng là ngoài tác động thiếu nước ngọt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thì tình trạng sụt lún đất ĐBSCL của những mùa khô gần đây đã nói lên sự nghiêm trọng. Đất của ĐBSCL là nền đất yếu, hầu hết đường giao thông được hình thành bên cạnh việc đào các con kênh, mương lấy đất đắp lên đường. Đất khu vực này khi độ ẩm quá lớn sẽ gây nhão, khi độ ẩm quá ít lại gây co ngót dẫn tới sụt lún, sạt lở. Một số công trình ngăn mặn đưa nước ngọt vào, nhưng ở một số thời điểm khí hậu cực đoan, như mùa khô năm 2016, 2020 hay năm nay, vấn đề sụt lún đã xảy ra, đặc biệt là ở Cà Mau. Điển hình như ở huyện Trần Văn Thời, có nơi sụt lún tới 2 mét.

Qua nhiều đợt đi thực tế ở một số vùng sạt lở, sụt lún ở Cà Mau, ông Tuấn nhận thấy nguyên nhân của tình trạng này do giải pháp công trình ngăn mặn chưa hợp lý và điều này cần phải thay đổi.

"Chúng tôi nhận thấy rằng với các công trình ngăn được mặn, nhưng rất tiếc là phần cấp nước ngọt bổ sung lại không đủ, nên đất co ngót, phản áp suất không còn, nên dễ dàng chịu tác động và sụt lún. Đôi khi chúng ta mong muốn ngăn mặn, giữ được ngọt, nhưng đôi khi lại dẫn tới hệ quả khác, và tác hại không nhỏ, đất đã sụt lún thì không còn cách gì có thể nâng lên được. Chính vì thế phải chọn những giải pháp không hối tiếc", PGS.TS Lê Anh Tuấn băn khoăn.

Theo số liệu mà ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cung cấp cho thấy năm 2020, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 18.000 giếng khoan nước ngầm của hộ cá nhân. Qua đó, gây ra một loạt vấn đề ô nhiễm bởi có rất nhiều trường hợp người dân hút nước ngầm bơm lên pha loãng nước mặn để nuôi thủy sản, sau đó không dùng thì rút ống dẫn đến nước ô nhiễm, nước mặn từ mặt theo các giếng này xâm nhập vào hệ thống nước ngầm nên giờ toàn bộ vùng Tây Nam sông Hậu gồm 7 tỉnh (trừ An Giang, Kiên Giang) thì không còn nước mặt, vùng Bạc Liêu, Cà Mau là nước ngầm, nhiều giếng đóng vì bị nhiễm mặn.

Theo ông Tuấn, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện quy hoạch nước vùng ĐBSCL, riêng nội dung cấp nước dự kiến ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập 40-65 km tính từ cửa biển. Xây dựng nhà máy nước cấp nước cho 13 địa phương vùng ĐBSCL, đảm bảo cấp nước cho đô thị, công nghiệp và 30% người dân vùng ven nông thôn, ven biển, sẽ sử dụng nguồn nước này. Dự báo tới năm 2030 cần 2,5 - 2,7 triệu m3/ngày đêm dùng cho đô thị; đến năm 2025 sẽ cần 3 - 3,2 triệu m3/ngày đêm.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, đây là khó khăn phải tính toán, không thể nhỏ lẻ từng nơi, không thể khoan nước ngầm được nữa. Bởi ở Cà Mau giờ khoan sâu 280m cũng nhiễm mặn, phèn; các địa phương khác như Long An, Bến Tre khoan tới 400-450m mới có nước ngọt, khả năng nước ngầm là hạn chế. Trong khi tác hại của nước ngầm là đất khô, lún sụt.
Nước phục vụ sinh hoạt tại Cà Mau khó khăn, các ghe chở nước ngọt phải hoạt động liên tục chở đến những vùng thiếu nước

Theo ông Tuấn, với hàng chục ngàn giếng đóng trong vùng, nước mặn theo đó ngấm xuống nước ngầm, nên nước ngầm không còn là của để dành nữa. Do vậy, nguồn nước mặt được tính toán cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất. Theo quy hoạch cấp nước, vùng ĐBSCL chia 3 vùng gồm Bắc sông Tiền, vùng giữa và vùng Tây Nam sông Hậu. Ý tưởng xây dựng 5 nhà máy nước hình thành, Ngân hàng Thế giới (WB) đã sang nghiên cứu, nhưng nếu xây 1 nhà máy cho cả vùng lớn thì khó, do vậy phát huy các nhà máy, vì các nhà máy cần nguồn nước lấy về để xử lý.

"Chúng ta cần nghĩ đến chuyện cấp nguồn nước thô cho các nhà máy. Hiện các nhà máy chỉ thiếu nguồn nước thôi. Các nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Giờ tính để cấp nguồn không bị mặn Do nước mặt nhiễm mặn nên cần đầu tư đường ống nước từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đưa về để các nhà máy hiện có xử lý cung cấp cho người dân", ông Trần Anh Tuấn đề xuất.

Tuy nhiên, câu hỏi khó theo ông Tuấn là mặn bao lâu, độ mặn thế nào, có thể tính bao lâu để đảm bảo nước cung cấp về cho các nhà máy không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cần kết hợp nước cho nông nghiệp, cây trái, như cây Sầu Riêng chỉ cần mặn 1g/lít là chết, nên có vùng mua nước 70.000-80.000 đồng/m3 để tưới cho cây... Do vậy, nguồn nước cung cấp cho các nhà máy sinh hoạt cần kết hợp cho sản xuất. Nên cần nghiên cứu một hệ thống cấp nước liên thông, kết hợp đa mục tiêu (có thể nước thô, nước sạch) cho cả vùng Bắc sông Tiền và vùng giữa.

Những diễn biến của hạn, mặn và sụt lún tại khu vực ĐBSCL diễn ra trong thời gian qua cho thấy, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Thời gian tới, theo dự báo, khu vực sẽ có 45% dân số trong đô thị vào năm 2030, có ít nhất 7-8 triệu dân trong đô thị. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt ở đồng bằng cũng như các dự án cấp nước liên vùng chính là vấn đề an sinh xã hội phải được đầu tư và quan tâm hơn nữa.

(Nguồn VOV.VN)