Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa siêu vượt âm

Triều Tiên đã thực hiện thành công thử nghiệm trên mặt đất đối với động cơ sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới.

(Ảnh minh họa: KCNA/AFP)

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố thông tin trên hôm 20/3.

Theo KCNA, Tổng cục Tên lửa Triều Tiên và Viện Động cơ trực thuộc cơ quan này đã tiến hành thử nghiệm phản lực trên mặt đất đối với động cơ sử dụng nhiên liệu rắn nhiều giai đoạn dành cho tên lửa siêu vượt âm tầm trung tại bãi phóng vệ tinh Sohae vào sáng và chiều 19/3 theo lộ trình phát triển hệ thống vũ khí thế hệ mới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo thử nghiệm tại chỗ cùng các quan chức lãnh đạo trong lĩnh vực phát triển tên lửa Triều Tiên.

KCNA cho biết một thời gian biểu về việc hoàn tất công tác phát triển hệ thống vũ khí tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới đã được xác định thông qua thành công của thử nghiệm quan trọng này.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận định giá trị chiến lược quân sự của hệ thống vũ khí này được đánh giá cao ngang tầm với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Năm 2021, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ phát triển các hệ thống vũ khí công nghệ cao, trong đó có tên lửa siêu vượt âm. Ông khẳng định Triều Tiên cần làm chủ những năng lực chiến đấu mới để "khắc chế hành vi thù địch ngày càng tăng từ Mỹ và đồng minh".

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn hiện đại hóa kho vũ khí để buộc Mỹ nhượng bộ và nới lỏng trừng phạt kinh tế khi nối lại đối thoại.

Nhiên liệu rắn công nghệ cao là mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội Triều Tiên. Loại nhiên liệu tên lửa này an toàn hơn nhiều so với nhiên liệu lỏng và không cần nạp trước khi phóng. Điều này giúp triển khai tên lửa nhanh hơn, cũng như tránh đối phương phát hiện và phá hủy chúng.

Triều Tiên vào năm 2023 thông báo thử nghiệm một loại động cơ mới sử dụng nhiên liệu rắn dành cho tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), phóng thử thành công ICBM đầu tiên sử dụng nhiên liệu rắn và gọi đây là bước đột phá then chốt trong chiến lược răn đe hạt nhân.