Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Trung Quốc lập liên minh pin thể rắn đối đầu với Nhật Bản

Trung Quốc vừa thành lập tập đoàn pin thể rắn với các đại diện sừng sỏ gồm CATL, BYD, Nio, CALB và nhiều hãng khác. Liên minh mới nổi này dự định sẽ xây dựng chuỗi cung ứng pin thể rắn vào năm 2030.


Trung Quốc hiện dẫn đầu ngành công nghiệp pin và đang tìm cách khẳng định mình là cường quốc về pin thể rắn. Sau pin lithium-ion, Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu mà tất cả các hãng xe trên thế giới đang nhắm đến - pin thể rắn.

Nước này vừa thành lập một tập đoàn khổng lồ gồm các nhà sản xuất pin, nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ lớn. Liên minh này được gọi tên là CASIP (China All-Solid-State Battery Collaborative Innovation Platform / Liên minh đổi mới pin thể rắn của Trung Quốc).

CASIP quy tụ nhiều cái tên "máu mặt" trong làng sản xuất pin của nước này bao gồm CATL, FinDreams Battery (của BYD), CALB, Svolt, EVE Energy và Gotion High-tech, cũng như các nhà sản xuất ô tô Nio và BYD. Đây là 6 công ty lớn trong số 10 nhà sản xuất pin ô tô hàng đầu trên toàn cầu. Nhưng CASIP hứa hẹn sẽ còn có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn khác của Trung Quốc.


Mục đích chính của CASIP là xây dựng chuỗi cung ứng pin thể rắn vào năm 2030. Ngoài ra, CASIP sẽ nghiên cứu cơ bản, công nghệ chủ chốt cũng như hợp tác phát triển và sản xuất xe điện sử dụng pin thể rắn.

Một số thành viên chủ chốt của chính phủ cũng tham gia, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản của Hội đồng Nhà nước và Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia.




Với đội hình toàn những nhà sản xuất pin mạnh mẽ, Trung Quốc kỳ vọng có thể sớm phổ biến pin thể rắn ra thị trường. Đặc biệt, thành tựu này sẽ càng quan trọng và ý nghĩa lớn nên như nước này vượt mặt được Nhật Bản.

Nikkei Asia báo cáo rằng Toyota được cho là có hơn 1.300 bằng sáng chế cho pin thể rắn trong khi các công ty Trung Quốc chỉ có khoảng 100 bằng sáng chế. Toyota đã hợp tác với nhà máy lọc dầu Idemitsu Kosan và mong muốn thương mại hóa pin thể rắn vào năm 2027 và 2028 trước khi tiến tới sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn.




Giáo sư Ouyang Minggao của Đại học Thanh Hoa, cũng tham gia vào tập đoàn, cho biết thêm: “AI đang thay đổi cách chúng ta nghiên cứu và phát triển vật liệu, đồng thời nó sẽ đẩy nhanh đáng kể tốc độ R&D của pin thể rắn”. “Vào khoảng năm 2030, chúng ta sẽ có cơ hội cao hơn để đạt được bước đột phá trong quá trình công nghiệp hóa pin thể rắn.

Trước đó vào đầu năm nay, lãnh đạo của Toyota xác nhận sẽ ra mắt xe điện dùng pin thể rắn với khả năng chạy được 1.200 km nhưng chỉ cần 10 phút để sạc lại.