Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

Madagascar thông qua Luật thiến vật lý tội phạm ấu dâm

Madagascar vừa thông qua luật cho phép phẫu thuật thiến vật lý những tội phạm ấu dâm kèm theo hình phạt tù lên đến chung thân, tùy độ tuổi nạn nhân.

Luật này đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều nhóm nhân quyền quốc tế, nhưng cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động cho rằng đây là biện pháp ngăn chặn thích hợp nhằm hạn chế tội hiếp dâm.

Quốc hội nước này đã thông qua luật này hôm 2/2 và được Thượng viện phê chuẩn cùng ngày. Vấn đề lần đầu được Tổng thống Andry Rajoelina đề xuất vào tháng 12/2023. Bộ trưởng Tư pháp Landy Mbolatiana cho rằng đây là động thái cần thiết vì số vụ hiếp dâm trẻ em ngày càng gia tăng.

Bà cho biết, năm 2023, hơn 600 trường hợp hiếp dâm trẻ vị thành niên đã được ghi nhận và chỉ riêng tháng 1 vừa qua đã có 133 vụ. "Bộ luật Hình sự hiện hành chưa đủ để hạn chế tội phạm này", bà Landy Mbolatiana cho hay và khẳng định trong bộ luật mới, nạn nhân càng nhỏ tuổi, hình phạt cho thủ phạm càng nặng.

Với những kẻ phạm tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 10 tuổi, hình phạt là bắt buộc thiến vật lý; nếu nạn nhân 10-13 hình phạt sẽ được cân nhắc giữa thiến vật lý hoặc thiến hóa học; nạn nhân 14-17, hình phạt cho thủ phạm là thiến hóa học. Những người phạm tội cũng sẽ phải đối mặt với mức án nghiêm khắc hơn lên đến tù chung thân, cùng với hình phạt bổ sung nêu trên.

Thiến hóa học là việc sử dụng thuốc để ức chế hormone và làm giảm ham muốn tình dục, thường có thể hồi phục bằng cách ngừng thuốc. Thiến phẫu thuật là một thủ tục vĩnh viễn (cắt bỏ buồng trứng hoặc hai tinh hoàn).

Một số quốc gia và một số tiểu bang của Mỹ như California và Florida đã cho phép thiến hóa học với một số tội phạm tình dục, song rất hiếm quốc gia thông qua luật thiến vật lý, hiện chỉ có Czech và Nigeria.

Luật mới của Madagascar bị một số tổ chức nhân quyền chỉ trích là "đối xử vô nhân đạo và hạ nhục" không phù hợp với luật hiến pháp của nước này. Họ cho rằng luật pháp nên tập trung vào việc bảo vệ nạn nhân chứ không phải trừng phạt thủ phạm.

Nhưng giữa những lời chỉ trích, một số nhà hoạt động ở Madagascar đồng ý với sự thay đổi trong luật. Bà Jessica Lolonirina Nivosheno thuộc Hội Phụ nữ phá vỡ sự im lặng, tổ chức vận động chống hiếp dâm và hỗ trợ nạn nhân, cho biết: "Thực sự có một nạn hiếp dâm ở Madagascar. Luật mới là sự tiến bộ vì đây là một hình phạt mang tính răn đe. Điều này có thể ngăn cản những kẻ tấn công tiềm năng hành động".
Một minh họa y học của Sharaf ad-Din Ali Yazdi mô tả thiến, khoảng năm 1466


(Theo Telegraph)