Tìm kiếm cả vũ trụ

Âm lịch

Translate

24 dự án điện gió, mặt trời muốn bán điện trực tiếp tới khách hàng

24 dự án công suất 1.773 MW muốn tham gia thí điểm cơ chế mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DDPA).

Thông tin này được Bộ Công Thương cho biết tại báo cáo vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cơ quan này cho hay, trong 106 dự án có công suất đặt 30 MW trở lên (gồm 41 dự án điện mặt trời, điện gió) thuộc Quy hoạch VII điều chỉnh, Bộ gửi phiếu khảo sát về việc tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA).

Trong số doanh nghiệp phản hồi, có 24 dự án (công suất 1.773 MW) muốn tham gia thí điểm cơ chế này. 17 dự án với công suất 2.836 MW cho biết đang cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng. Trong khi 26 dự án khác nói không muốn tham gia DDPA.

Về phía khách hàng sử dụng điện, 24 đơn vị cho biết muốn tham gia thí điểm cơ chế này, với tổng nhu cầu khoảng 1.125 MW.

Bộ Công Thương cho biết hiện đủ cơ sở pháp lý để triển khai mua bán điện qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp, tức không qua lưới điện quốc gia. Trường hợp này khi triển khai, bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết các đơn vị thực hiện.

Ngược lại, trường hợp mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia được Bộ Công Thương đánh giá "vẫn khá rắc rối, nên kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo". Do đó, cơ quan này đề xuất hai phương án để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam.

Một là, quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực và việc triển khai cơ chế này phụ thuộc thời điểm sửa, ban hành Luật Điện lực sửa đổi, dự kiến năm 2025-2026.

Hai là, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA, theo Điều 70 Luật Điện lực.

Sau cân nhắc, bộ này đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức Nghị định của Chính phủ.

Thực tế, cơ chế mua bán điện trực tiếp DDPA được Chính phủ "giục" Bộ Công Thương hoàn thành, nhưng hiện bị chậm. Tại thông báo kết luận tuần trước của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, ông yêu cầu Bộ trưởng Công Thương rút kinh nghiệm, rà soát làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền ban hành và đẩy nhanh các thủ tục để sớm đưa ra cơ chế này.

Cách đây hai năm, Bộ Công Thương từng lấy ý kiến dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp, với công suất định thí điểm 1.000 MW. Theo đó, bên mua và bán đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn có giá. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Ở thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế này.